Tác Giả: Hồng Nương Tử
Thể Loại: Kinh dị, Ma quái, Tiểu thuyết, Văn học phương Đông
Dịch Giả: Nguyễn Thanh An
Nhà Xuất Bản: NXB Văn Học
Công ty phát hành: Bách Việt
Tấm vải đỏ mở đầu khá ổn với những màn móc mắt lột da hấp dẫn. Những hình ảnh “kinh điển” trong phim kinh dị châu Á được tác giả tổng hợp lại. Ví dụ như ma bò lổm ngổm trên mặt đất, cào sồn sột, tóc tai xõa xượi; bước vào thang máy đi mãi không đến nơi, ấn nút tầng thì nhũn nhũn như ấn vào mắt ma, vào phòng tắm hơi nước mờ ảo rất có khả năng ma vỗ vai từ phía sau…
Lời nguyền thần bí Ca Băng được nhắc đi nhắc lại đến nỗi tôi phải google xem nó có thật hay không nhưng toàn ra băng-ca.
Lời nguyền này đi kèm với tấm vải màu đỏ mà cô gái (đọc lâu quên mất tên rồi) tình cờ mua được khi đến thăm một bản miền núi. Chị em đi Sa Pa… đừng mua thổ cẩm nọ kia, rất có khả năng dính sạn. Khi đem miếng vải đi may váy áo, nó sẽ phủ lời nguyền lên người mặc.
Sau đây là SPOIL đoạn hay nhất truyện.
Nguồn gốc lời nguyền Ca Băng: 2 đứa bé trai gái gần tuổi nhau, cùng chơi với nhau và lũ bạn. Nhà con bé giàu có nên nó nghĩ ra lắm trò tai quái. Một lần, nó bắt thằng bé hái cho nó bông hoa bên vách đá. Ai dè thằng bé trượt chân ngã xuống. Lũ trẻ sợ quá bỏ chạy hết về nhà. Sau khi con chết, nhà đứa bé trai kia suy sụp, một gia đình đang yên ấm bỗng chốc tan nát.
Con nhỏ kia lớn lên, đến tuổi cập kê. Một chàng trai khôi ngô tuấn tú xuất hiện, chiếm hồn cô gái. Cô rất yêu anh ta, hai người nên vợ nên chồng. Một hôm đi ngang vách núi hồi xưa, chàng trai nhắc lại chuyện cũ. Thì ra anh ta chính là đứa bé năm ấy, rơi xuống núi không chết, khi trở về thì nhà đã không còn. Anh ta vô cùng oán hận nên tìm cách trả thù.
Anh ta đẩy cô vợ xuống vách đá. Cô này ngã xuống mất tích, nhưng giống như trước, không chết mà chỉ bị thương. Khi đó, cô ta đã có thai (anh chồng không biết). Cô ta vừa yêu vừa hận, quyết sống sót đẻ con.
Nhiều năm sau, cô ta vẫn theo dõi người đàn ông kia mà không trả thù gì vì cô hy vọng anh ta yêu cô, làm vậy chỉ vì mối thù cha mẹ. Hai mẹ con cô vẫn sống trong rừng chứ không quay về làng.
Cho đến 1 ngày, anh này lấy vợ. Cô vợ cả bây giờ chuyển hết tình yêu thành thù hận. Cô ta viện đến lời nguyền độc địa Ca Băng. Lời nguyền này được thực hiện bằng cách giết cô gái mà người muốn gọi lời nguyền yêu thương nhất (cô gái phải còn trinh), nhưng không giết gấp mà phải để chết từ từ, lấy máu cô ta nhuộm rễ cây hòe. Chữ “hòe” trong tiếng Tàu là ghép của “quỷ” và “mộc”, không phải cây hòe không xong. Và vì yêu cầu ngặt nghèo về người hiến tế nên nạn nhân thường là con gái của thủ phạm.
Một hôm, bà mẹ và con gái đi rừng, bà ta bảo con ngồi xuống mẹ gãi đầu cho rồi phang luôn cho con 1 nhát ngất xỉu. Lúc cô bé tỉnh dậy thì thấy mình bị trói vào gốc hòe cổ thụ, mẹ điên dại cầm con dao chuẩn bị khoét mắt mình, dù cô có van xin cũng không thay đổi được người mẹ đã hóa điên vì thù hận. Bà ta khoét mắt con để nó chết dần vì mất máu, bỏ mặc con gái ở đó, đủ ngày đủ tháng mới quay lại đào rễ cây hòe về nhuộm thành tấm vải đỏ mang lời nguyền. Tấm vải đó đem tặng cô dâu mới, trù cô ta chết thì thôi.
Lẽ ra cứ ma quái thì hay, không hiểu tại sao tác giả chuyển pha sang pháp thuật. Mấy ông bố bà mẹ tầm u40 của các đồng chí main hóa ra là truyền nhân có thể hô thần gọi quỷ của giáo phái gì đó. Tổng cộng bốn người hợp lại với nhau có thể trừ ma trừ tà. Sau đấy là màn tung chưởng xanh đỏ loạn xà ngầu chả ra đâu vào đâu. Đoạn này không biết kể thế nào vì chả có gì mà kể. Chỉ có thể tóm lại bằng từ NHẢM. Có lẽ vì còn phần 2 nên phần 1 kết dở dang.
Nếu ai định đọc truyện này thì đọc xong rồi đấy!