Ngay từ khi mua Người tù bé nhỏ cho đến bây giờ, tôi đã từng nghe rất nhiều những lời thương xót xen lẫn trách móc Jane Elliott. Tôi vẫn nhớ hai cô bán sách trao đổi với nhau: tại sao Jane ngu thế không bỏ trốn, tại sao Jane không phải kháng mà để quá lâu như vậy, vân vân… Tôi đã nói thế này: cô có thấy sư tử làm xiếc không? Nó có khỏe không, có dữ tợn không? Vậy mà nó còn phải phục tùng dưới đòn roi đấy. Jane chỉ mới 5 tuổi khi bắt đầu bị lạm dụng. Muốn trốn ư? Ai giúp? Khi mẹ cô ấy thậm chí còn là tòng phạm. Tự trốn một mình? Đừng đùa.
Bạn lại có thể nói: Qua thời gian, Jane lớn lên rồi, sao không tự giải thoát cho mình đi? Chúng ta quay lại chuyện con sư tử nhé. Nó bị đánh vài lần sẽ phải nhớ rằng: mày phản kháng sẽ ăn đòn. Con người còn thông minh hơn con thú, sẽ hiểu vấn đề đó nhanh hơn nhiều. Jane đã được dạy rằng: mày không nghe tao, tao đập chết. Ý chí chiến đấu của cô ấy, lòng tự tôn, lòng tin của cô bị đè bẹp không thương tiếc trong những năm tháng ấy.
Câu chuyện của Jane Elliott bao gồm nhưng không hạn chế các khía cạnh lạm dụng tình dục, bạo lực gia đình, nhưng vì phương diện lạm dụng nổi bật hẳn lên nên nhiều người không nhớ ra cô ấy còn là một nạn nhân của bạo lực gia đình. “Sức mạnh” của bạo lực gia đình nằm ở chỗ nó giết chết lòng tự tôn của nạn nhân. Thủ phạm, bằng vũ lực và lời nói, chứng tỏ cho nạn nhân “thấy” rằng nạn nhân chỉ là một kẻ ngu si thấp kém, đáng bị ăn đòn, vô liêm sỉ, xấu xa, rác rưởi; rằng không ở cái nhà này thì mày chẳng thể ở được đâu hết… Mưa dầm thấm lâu, đòn đau nhớ đời, dần dần, nạn nhân cũng cảm thấy thế thật. Họ không còn chút ý chí đấu tranh nào, không còn chút tự tôn nào, hoàn toàn phụ thuộc vào thủ phạm về mặt tinh thần. Khi làm trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình, tôi đã gặp nhiều trường hợp người vợ là trụ cột trong nhà, kiếm tiền, chăm con… đủ thứ; thằng chồng chỉ có ăn chơi và đánh vợ đập con. Thế nhưng người vợ lại không dám li dị, sợ xa thằng kia thì không sống nổi trong khi thằng kia xa vợ mới là đứa chết. Tình trạng đó sẽ kéo dài cho đến khi người vợ bị chồng đập chết thật hoặc gặp được ai đó, cái gì đó, như với Jane là cuốn A child called “it”, khiến cô thay đổi suy nghĩ mình là một kẻ bỏ đi. Điều này không dễ xảy ra. Cảm giác mình là loại rác rưởi, vô dụng, qua thời gian bị nhồi sọ, đã trở thành thâm căn cố đế. Và bản chất con người luôn sợ thay đổi, nếu không đã không có môn học gọi là Quản trị sự thay đổi. Phải vô cùng dũng cảm mới dám phá bỏ tất cả hiện tại, để hướng đến một thứ chẳng ai dám khẳng định ra sao, gọi là “tương lai”.
Bạn có thể nói: hiện tại có ra cái gì đâu mà sợ phá. Đó là vì bạn không ở trong hoàn cảnh của họ. Ví dụ như Jane. Đầu tiên, cô ấy sợ phản kháng sẽ bị trừng phạt. Điều này không cần phải nói nữa. Cuối cuốn sách cũng đã chứng minh điều cô sợ là rất có cơ sở. Thêm vào đó, khi một đứa trẻ bị lạm dụng từ nhỏ, thường xuyên, bởi cha dượng, nó sẽ nghĩ những gia đình khác cũng như thế, và đây là chuyện bình thường. Khi lớn lên, muốn thoát khỏi hiện thực thì lại sợ tương lai còn tệ hại hơn, liệu ngoài kia có những kẻ giống cha dượng không hay còn cầm thú hơn?
Cần có lòng dũng cảm, cái thứ đã bị thủ phạm đập nát từ lâu, nạn nhân mới dám bước ra khỏi bóng tối. Họ phải góp nhặt các mảnh can đảm vỡ vụn, kiên nhẫn dán chúng lại, và đứng lên. Thế nên tôi mới nói, Jane là một trong những người can đảm nhất.
Và luôn luôn, các nạn nhân cần sự giúp đỡ. Thủ phạm thường là những kẻ rất ghê gớm, thiếu nhân tính trong khi nạn nhân lại rất yếu thế. Họ không thể đơn thương độc mã chiến đấu. Nếu bạn biết một nạn nhân của bạo lực gia đình hay lạm dụng tình dục, đừng ngần ngại nắm lấy tay họ, và đừng bỏ ra cho đến khi họ đủ mạnh mẽ để bước một mình.