Makoto là một cậu bé 14 tuổi nhút nhát, học hành dở ẹc, vừa lùn vừa còi, và dĩ nhiên, vô cùng tự ti. Ở lớp, cậu bị bắt nạt và cô lập nên chỉ có gia đình là chỗ dựa nhưng vào một ngày kia, chỗ dựa tinh thần ấy hoàn toàn sụp đổ khi cậu thấy cha mình cười trên nỗi đau của người khác (dù họ đáng bị thế), bắt quả tang mẹ ngoại tình + cô bạn mình thầm mến đi khách với một ông chú già. Như tôi đã từng nói trong một bài review nào đó, người ta tự sát khi tuyệt vọng với cuộc đời, Makoto mất hết niềm tin, uống một đống thuốc ngủ tự tử. Linh hồn xưng “tôi” nhập vào xác Makoto với trí nhớ bị xóa sạch và có nhiệm vụ phải nhớ lại kiếp trước của mình. Với tâm lý mình đang “ở trọ”, “tôi” khá tưng tửng và bất cần. Những việc Makoto do dự, sợ hãi không dám làm thì “tôi” sẵn sàng làm. Chả còn áp lực gì, “Makoto” đâm ra lại cởi mở, sáng sủa hơn. Trước kia, bạn bè không muốn dính dáng đến một Makoto u ám, ngơ ngẩn thì giờ họ cũng thân thiện hơn với một Makoto tươi tỉnh. “Tôi” chả thèm quan tâm nhiều đến việc người ta nghĩ về mình thế nào hay bị tổn thương ra sao. Trên phương diện nào đó, đấy là sự ích kỷ. Nhưng trên khía cạnh tích cực thì đấy lại giúp cậu bớt e dè với thế giới và sống thẳng thắn hơn. Chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của mình luôn là phương pháp phòng chống stress tuyệt vời. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn tông tốc kể ra tất cả ý nghĩ của mình cho tất cả mọi người. “Tôi” dần biết chân tướng nhiều sự việc, bao gồm cả những sự kiện đã đẩy “Makoto” tới hành động tự sát. Hóa ra sự thật không như cậu từng nghĩ. “Có những chuyện tưởng chỉ một màu đơn giản, hóa ra lại có vô số mảng màu khác còn ẩn giấu… Tùy theo từng góc độ mà ta có thể nhìn thấy sắc màu nào”. “Tôi” tiếc thay cho “Makoto”, ước gì cậu chưa chết, nếu cậu biết sự thật, hẳn cậu đã không tự sát. Tôi luôn tâm đắc câu “tự tử là cách giải quyết vĩnh viễn những vấn đề tạm thời”. Nếu bạn cho bản thân và người khác cơ hội, đa phần các vấn đề sẽ được xử lý. Còn nếu bạn chết rồi, mọi việc sẽ chấm dứt mãi mãi, không thể vãn hồi.
Kết truyện, có lẽ ai cũng đoán được: “tôi” chính là “Makoto”. Ở đây có một tình tiết thú vị nữa. Đó là người ta luôn dễ dàng giải quyết các vấn đêc của người khác nhưng nếu chúng là của mình thì lại loay hoay. Như Makoto, sau khi quay về với thân phần của mình thì lại lo trái sợ phải. Lúc này, thiên thân Purapura nói: cứ coi cuộc đời này là ở trọ đi, vài chục năm chứ mấy. Việc ở trọ không hề có luật lệ, mọi người cứ tự nhiên sống theo cách mình thích. Như thế sẽ thấy nhẹ lòng hơn nhiều.
Tôi tìm thấy mình trong nhân vật bà mẹ. Cái quái gì cũng thích, cũng học nhưng cả thèm chóng chán nên chẳng ra đâu với đâu. Được cái lúc nào cũng đầy năng lượng khi bắt đầu cái mới 🙂)) Lấy được người chồng biết trân trọng điều ấy là may mắn của bà. Tôi có chút ghen tị với bà.
Đây thực sự là một tác phẩm thú vị. Tuy không sáng tạo nhưng ý nghĩa, nhẹ nhàng. Đọc xong thấy đời đầy sắc màu. Colorful là cái tên rất phù hợp với truyện.
[…] Colorful –> review ở đây […]