Đây là bộ phim kể về hành trình trở thành doanh nhân thành đạt của một cậu bé dưới đáy xã hội. Tôi đã nghĩ mình sẽ xem Triệu phú khu ổ chuột phần 2 hoặc sẽ là 1 hành trình vượt khó đầy tự hào. Nhưng không, đây là bộ phim về kẻ giết người chưa hoặc không bao giờ bị bắt chừng nào anh ta còn đủ tiền để đút cho cảnh sát tại “nền dân chủ vĩ đại nhất thế giới”.
Ấn Độ, chắc các bạn cũng xem tin tức suốt rồi, phân hóa giàu nghèo tới cực điểm. Một bên là giới siêu giàu, sống trong biệt thự xa hoa, một bên là những người cùng khổ sống trong các khu ổ chuột bẩn thỉu, rách rưới. Họ phân biệt giai cấp như thể sự văn minh của xã hội hiện đại không hề ghé qua đất nước họ. Balram là một cậu bé thông minh, học giỏi nhưng cái nghèo và tư tưởng nô lệ níu chân anh như đã neo giữ hàng triệu người Ấn nghèo khác. Anh nỗ lực muốn đổi đời nhưng chỉ có thể đổi từ việc làm nô lệ này sang việc làm nô lệ khác. Giống như những con gà trong chuồng, dù biết sẽ bị cắt tiết vẫn không hoặc không thể phản kháng.
Người giàu có quyền lựa chọn còn người nghèo thì không. Tuy nhiên, anh có thể chọn làm gà hoặc làm cọp trắng. Để làm cọp, anh phải rũ bỏ gia đình. Khi quyết định cứa cổ ông chủ, anh coi như xác định vĩnh viễn mất gia đình, bất kể họ còn sống hay không.
Balram giết chủ, cướp tiền. Số tiền đó dùng để mua tự do và làm vốn kinh doanh. Anh phất lên với đạo đức kinh doanh riêng của mình, và nghĩ một ngày nào đó nếu bị bắt, anh cũng sẽ không hối hận vì cuộc sống tự do đáng để anh trả giả hết thảy.
Tôi không chấp nhận nổi việc giết người mà vẫn nhơn nhơn như vậy. Đó giống như chúng ta vẫn đang ở thế kỷ trước, nơi con người chỉ có thể giành lại tự do bằng bạo lực cách mạng (đó chính là ý đồ của tác phẩm chăng?) Tôi không dám chê trách nhân vật vì tôi chả nghĩ ra lối thoát nào tốt đẹp hơn cho anh cả. Một cảm giác bất lực xâm lấn như tất cả những lần chứng kiến sự bất công của xã hội mà chẳng thể làm gì.