Tác giả: Magraret Mitchell
Dịch giả: Dương Tường
Xuất bản: NXB Văn học
Tôi nghĩ 90% chị em phụ nữ Việt Nam tại các đô thị lớn đã đọc qua cuốn này. Cuốn theo chiều gió được coi là tác phẩm lãng mạn kinh điển được xuất bản tại Việt Nam, sách gối đầu giường của các cô gái thời chưa có ngôn tình.
Bộ tiểu thuyết hội tụ đủ sự hấp dẫn cần có: có gái đẹp, có soái ca, có tay ba, có hiểu lầm trắc trở, lại có cả lịch sử nước Mỹ. Đây là một trong số ít cuốn sách tôi đọc đi đọc lại (không hẳn vì nó hay tuyệt đỉnh mà vì thời đó chả có mấy sách, nên cứ phải đọc lại hoài). Tôi thậm chí còn học thuộc lòng mấy đoạn gay cấn.
Rhett Butler – tôi từng mơ ước có một anh chàng như thế yêu mình và để mình yêu. Tôi nhớ có đoạn mô tả về Rhett như thế này. Trong thời chiến, ai nấy đều rất nghèo túng, nhưng Rhett vẫn ung dung với những bộ cánh đẹp đẽ. Truyện tả một chiếc áo rất đẹp của chàng và tiếp “nhưng còn thanh lịch hơn cả bộ cánh là cái dáng vẻ của chàng.” Ừm, tôi thích những người đàn ông thanh lịch. Có ai không thích cơ chứ? Nhất là anh ta lại đẹp trai, can đảm, giàu có và chung tình. Nếu Rhett không phải soái ca, thế giới này không ai xứng là soái ca. Nhưng với tôi, còn hơn cả sự thanh lịch là tình yêu của chàng đối với Scarlett. Rhett mạo hiểm quay về Atlanta chỉ để gặp lại nàng, để nhìn nàng lấy một người khác, người nàng chẳng hề yêu, y như người chồng đầu tiên nàng đã kết hôn trong cơn giận dữ. Scarlett là cô gái mạnh mẽ nhưng thiếu tinh tế, nàng chẳng bao giờ hiểu được những điều Rhett làm cho nàng, thậm chí còn tệ hơn. Rhett nói: “tôi yêu cô nhưng không thể để cô biết. Cô thật tàn nhẫn với những người yêu cô, Scarlett. Cô nắm lấy tình yêu của họ và vung trên đầu họ như một cây roi.” Bao nhiêu năm sống cạnh nhau nhưng Scarlett chưa bao giờ để ý đến tình yêu của Rhett, chàng gần như tuyệt vọng, thế nhưng “còn có Bonnie và tôi thấy cũng chưa phải đã là hết tất cả. Tôi thích tưởng tượng Bonnie là cô, lại biến thành một bé gái trước chiến tranh và nghèo đói ném cô vào bao thử thách. Nó mới giống cô làm sao – bướng bỉnh, dũng cảm, tươi vui và đầy phấn hứng. Và tôi có thể thương nó, nuông chiều nó giống như tôi muốn cưng cô vậy. Nhưng nó không như cô, nó yêu tôi. Thật là một ân phước khi tôi có thể đem tình yêu cô không thèm dồn vào cho nó. Khi nó đi, nó đã mang theo tất cả.” Bạn tin không, tôi viết tất cả trích dẫn này bằng trí nhớ, vì tôi đã từng học thuộc nó?
Kết truyện là một câu nổi tiếng mà ta vẫn nói với nhau trong những giai đoạn khó khăn: “Mai là một ngày mới” (Tomorrow is another day).
Trong truyện có một câu gây tranh cãi một thời về dịch thuật. Bản gốc là “frankly my dear, I don’t give a damn”. Dương Tường dịch là “Cô bé thân mến ạ, tôi mặc xác” nhưng nhiều người cho rằng nó không chính xác lắm. Tôi là fan não tàn của bác Tường rồi nên đừng hỏi tôi đúng sai.
Nói về dịch thuật, vì tôi quá yêu tác phẩm này nên đã đọc cả bản gốc, bản dịch của Dương Tường lẫn bản của Vũ Kim Thư. Tôi đã từng nói nửa đùa nửa thật về văn học dịch rằng bản dịch giống như cái BCS, ngăn cách người đọc và bản gốc bằng một lớp màng mỏng, tùy dịch giả (tức nhà sản xuất BCS) mà cảm giác của người trong cuộc sẽ sung sướng hay khó chịu. Với trường hợp này, bản dịch của Dương Tường không phải cái BCS mà là cái s*x toy – không những không ngăn cách mà còn trợ hứng. Bản dịch của Vũ Kim Thư khô như ngói (tôi đọc bản gốc mà tưởng chắc mình phải đi mua lubricant).
Casting film này phải nói quá chuẩn. Tôi nghĩ Clark Gable và Vivien Leigh sinh ra để đóng phim này. Thật khó tưởng tượng một tạo hình khác cho hai nhân vật chính. Tuy nhiên, ngoài 2 người đó và bà vú thì các nhân vật khác không được sát nguyên bản cho lắm. Cơ mà kệ thôi, ai quan tâm đến nam phụ nữ phụ chứ.
Chốt lại, Rhett vẫn là nam chính số 1 trong lòng tôi, chưa ai thay thế được.