Nhiều người cho rằng trước một số dấu câu như dấu chấm hỏi, dấu chấm than, dấu hai chấm lại có một khoảng cách (ví dụ như hình 1) và cho rằng đây là sai chính tả.
Thật ra, đây không phải là sai chính tả. Chỉ đơn giản là, không hiểu vì sao, sách giáo khoa từ xưa tới nay vẫn áp dụng quy tắc dấu câu của Pháp. Sách truyện cũ cũng theo quy tắc này. Các bạn có thể xem lại những cuốn xuất bản ở Việt Nam những năm 70 đổ về trước để kiểm chứng.
Tôi không rõ bắt đầu từ thời điểm nào thì sách truyện chuyển sang áp dụng quy tắc dấu câu của Mỹ, tức là trước các dấu câu thì không có khoảng trống. Tôi đoán có lẽ từ khi có sắp chữ vi tính, sử dụng các bộ gõ trên máy tính cá nhân. Vậy nên, những bạn trẻ chỉ tiếp xúc với các ấn bản vi tính thì sẽ khó lòng biết được vụ quy tắc dấu câu thời xưa.
Trên thực tế, hiện nay, chúng ta đang sử dụng song song hai hệ thống quy tắc dấu câu. Riêng mình sách giáo khoa chơi một kiểu, chính xác hơn là sách giáo khoa cấp 1 chứ cấp 2 thì lại quay về với anh Mỹ rồi.
Tiếp đến là dấu câu đặt trong hay ngoài ngoặc. Tiếng Anh Mỹ có quy tắc khá rõ (hình 2): nếu phần trong ngoặc tạo thành một câu hoàn chỉnh về ý nghĩa thì dấu câu đặt trong ngoặc. Dấu câu ở ngoài ngoặc khi phần trong ngoặc không phải là một câu hoặc là một câu nằm giữa một câu khác.
Bài tập nhỏ: câu dưới đây có cần dấu chấm cuối cùng không?
Hôm nay, tôi đã chia tay bạn gái vì nàng hỏi tôi: “Em từng có một đời chồng rồi. Anh có chấp nhận không?”.