Tác giả: Yasunari Kawabata
Phát hành: Nhã Nam
NXB Văn học
Thời gian: 03/2016
Kawabata là một trong những nhà văn tôi thích nhất nhưng mười mấy năm rồi tôi mới đọc một tác phẩm khác của ông. Ấn tượng trong tôi, cũng chính là lý do tôi thích Kawabata là truyện của ông rất đẹp, đẹp và buồn, lúc nào cũng trong trẻo như nước từ một ngách suối nào đó trên núi đổ xuống, bất kể nội dung. Tiếng Trung có một từ rất hợp, đó là “thê mỹ”.
Tuy nhiên, tôi lại không thấy được điều này ở Hồ. Thậm chí, khi kết truyện, tôi còn nghĩ “hết tập một à?”. Nhưng rõ ràng không phải vậy.
Momoi Gimpei có nỗi ám ảnh về cái đẹp và cái xấu. Nó xuất phát từ nội tâm mục ruỗng và cô đơn của gã. Hiện thực quá tàn nhẫn, giống như bàn chân xấu xí mà gã luôn cảm thấy tự ti, căm ghét. Vậy nên hắn nương vào những ảo tưởng và niềm say mê với cái đẹp, cụ thể là các cô gái trẻ xinh đẹp. Gã bám theo các cô, chẳng vì điều gì ngoài thưởng thức nhan sắc của họ, đồng thời biết rằng dung mạo ấy sẽ nhanh chóng tàn lụi theo thời gian. Gã dùng ảo tưởng đẹp đẽ an ủi nỗi trống không trong tư tưởng.
Câu chuyện xen kẽ quá khứ và hiện tại một cách nuột nà, không hề gây cảm giác chuyển cảnh. Khỏi cần phải khen văn chương Kawabata điêu luyện vì điều ấy quá thừa.
Xuyên suốt tác phẩm là sự cô đơn, từ Gimpei, Miyako đến Michie, hay người phụ nữ xấu xí. Bất kể là ai, đẹp hay xấu, giàu hay nghèo, nam hay nữ, trẻ hay già đều mang trong mình điều ấy, như thể cả đất nước Nhật giai đoạn đó đang rơi vào cảnh mất phương hướng và trống rỗng vậy. Tôi không thích đối chiếu lịch sử để áp đặt cho tác phẩm nên đây có thể chỉ là phép quy nạp không hoàn toàn của riêng tôi mà thôi.
Cá nhân tôi không thích cuốn này vì như đã nói ở trên, tôi không nhận thấy điều mà tôi thích ở Kawabata trong cuốn này. Nhưng có thể người thay đổi không phải là Kawabata mà là chính tôi. Thời gian dài như vậy, có lẽ cách cảm nhận của tôi đã khác xưa rồi.
[…] Hồ –> rv tại đây […]