Tác giả: Tào Tuyết Cần, Cao Ngạc
Tôi xem phim trước khi đọc truyện. Đến tận năm 20 tuổi tôi mới đủ tiền mua bộ này.
Phim version 1987 có Trần Hiểu Húc vào vai Lâm Đại Ngọc, vai diễn kinh điển chưa ai có thể vượt qua. Trần Hiểu Húc lúc đến casting từng nói: “Tôi sinh ra để đóng vai này”. Hồi bé, cái thời chẳng có gì để xem nên tôi gần như choáng váng vì cảnh phim sao đẹp thế, diễn viên sao xinh thế. Giờ xem lại thì thấy hoa toàn là giả cắm lên cây, trang điểm quá đậm, chỉ có một điều đến giờ vẫn không đổi cảm xúc, chính là nhạc phim quá hay. Mỗi lần nghe tới khúc cuối, tôi lại nhớ đến di thể Vương Hy Phượng quấn trong tấm chiếu rách kéo lê trên tuyết. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến tôi thích Hồng lâu mộng.
Hồng lâu mộng, như cái tên của nó, ban đầu là khung cảnh xa hoa, giàu sang, đẹp đẽ như giấc mơ. Nhưng mơ luôn phải tỉnh mà thực tế lại luôn phũ phàng. Khi giật mình tỉnh dậy, nhận thấy tất cả sang quý, sung sướng kia chỉ là một giấc mộng phù hoa, cảm giác thê lương lời nào tả xiết?! Kết thúc là sự suy tàn, sụp đổ của một gia đình danh gia vọng tộc, một quốc gia từng phồn vinh. Với tôi, Hồng lâu mộng là một khúc nhạc buồn, đầy tiếc nuối, xót xa.
Chắc vì tôi là phụ nữ nên trong Tứ đại kỳ thư, tôi thích Hồng lâu mộng nhất. Đẹp và buồn. Đẹp từ những áng thơ trong sách, những ẩn giấu lẫn phô bày về xã hội đương thời và thân phận người phụ nữ phong kiến.
Bản dịch phải nói là đỉnh cao dịch thuật (ấy thế nhưng tôi lại quên mất tên dịch giả rồi. Bản tôi đọc không phải bản trong hình minh họa đâu. Vì bìa này đẹp nên tôi mới mượn tạm thôi). Các cụ ngày xưa giỏi Hán văn ngang tiếng Việt nên mới có khả năng chuyển ngữ siêu phàm vầy. Tôi đọc sách rất quan tâm đến ngôn ngữ. Tôi không đọc chỉ để lấy nội dung mà còn đọc vẻ đẹp của văn chương và sẵn sàng bỏ sách nếu thấy phần dịch thuật không đủ tầm của bản gốc. Thật may, cả Hồng lâu mộng lẫn Tây du ký đều được chuyển ngữ vô cùng tốt.
https://www.youtube.com/watch?v=ohY2ZzUBavE