Tác giả: Kishi Yusuke
Phát hành: IPM
NXB Hội Nhà văn
Bìa Mê cung đỏ dường như do người thiết kế 3 quán vẽ, đặc biệt tương tự Mê lộ quán nên tôi, do ám ảnh của thảm hoạ quán này, cứ lần lữa mãi không đọc. Lý do tôi mua cuốn này vì nó chung tác giả với Nhà đen, mà Nhà đen thì không hề tệ. May sao, tôi đã không phải hối hận vì quyết định của mình. Mê cung đỏ còn hay hơn Nhà đen.
Tôi đối với zero sum game vừa sợ hãi vừa kích thích. Sợ vì cứ tưởng tượng ra cảnh mình rơi vào loại game điên rồ này thì sẽ phản ứng ra sao. Làm sao để sống sót? Liệu mình có dám và có đủ khả năng giết người khác để bảo mệnh không? Kích thích vì cái trò đấu tranh sinh tồn này quả thực rất thúc đẩy sản sinh adrenalin trong cơ thể.
Nhân vật chính (và đa số nhân vật phụ) bị xã hội ruồng rẫy, thất bại, chán chường, thuộc thể loại có biến mất cũng không ai nhận ra ngay. Anh tỉnh dậy giữa khung cảnh xa lạ và bị buộc phải tham gia cuộc chơi kỳ lạ. Luật chơi dần dần được hé lộ, và dĩ nhiên, đó là zero sum game. Xuất thân khoa Toán, chuyên ngành Lý thuyết trò chơi, tôi tưởng đây sẽ là lợi thế của anh. Tiếc rằng, Theory game – lý thuyết giành giải Nobel kinh tế năm 1994, chẳng hề phát huy tác dụng trong trường hợp này vì tiền đề của nó đã bị vi phạm ngay từ ban đầu.
Tôi rất thích lựa chọn đầu tiên. Thử nhé. Giờ bạn đang ở ngã tư: đi về hướng Đông sẽ có vật dụng sinh tồn, hướng Tây có vật dụng phòng thân, hướng Nam có lương thực, hướng Bắc có thông tin. Bạn sẽ đi hướng nào? Hãy ghi nhớ câu trả lời của bạn rồi tiếp tục đọc. Bạn sẽ biết mỗi con đường đó dẫn đến đâu.
Tình tiết, văn phong rất ổn. Tôi chờ đợi các tác phẩm khác của Kishi Yusuke được xuất bản ra tiếng Việt.
Chấm điểm :8+/10
[…] Mê cung đỏ–> review tại đây […]