NGƯỜI ĐAN CHỮ XẾP THUYỀN

Tác giả: Miura Shion
Phát hành: Sky Novel
Reviewer: Điền Yên
—-

Cuốn sách này phát hành đã gần 2 năm nhưng đến giờ tôi mới đọc, và theo trí nhớ của tôi thì hình như rất ít review cho cuốn này. Nó không được đón nhận sôi nổi cho lắm thì phải. Điều ấy thật đáng tiếc bởi với cá nhân tôi, đây là một cuốn sách hay vô cùng.

Majime luôn gặp khó khăn trong giao tiếp. Dưới con mắt của nhiều người, anh rất kì lạ và khá “vô dụng”. Thành tích học tập xuất sắc nhưng công việc tại phòng Kinh doanh không phù hợp với anh. Mãi đến năm 27 tuổi, anh bất ngờ được “khai quật”, chuyển sang phòng Biên soạn từ điển. Từ đây, cuộc đời anh rẽ sang một lối khác. Majime như cá gặp nước, phát huy toàn bộ năng lực thiên bẩm về ngôn ngữ của mình.

“Người đan chữ xếp thuyền” lấy Majime làm nhân vật chính nhưng chính nhất ở đây không phải một con người cụ thể mà là công việc biên soạn từ điển và sức mạnh của ngôn từ. “Con người trèo lên chiếc thuyền được gọi là Từ Điển, lao mình trôi nổi giữa mặt biển bao la tăm tối có tên Ngôn Từ, để có thể đón lấy từng tia sáng nho nhỏ. Để có thể dùng từ ngữ thích hợp nhất, chính xác nhất nhằm truyền tải suy nghĩ của mình đến ai đó. Nếu như không tồn tại từ điển, thì hẳn chúng ta đã phải khuỵu gối trước biển cả bao la.”

Tôi luôn cho rằng cuốn sách đầu tiên nên mua trong giá sách là từ điển ngôn ngữ. Là người Việt thì cần từ điển tiếng Việt. Nếu ngay cả ngôn ngữ mẹ đẻ còn kém cỏi thì bạn muốn làm gì đây (ngoại trừ những trường hợp đặc biệt bị hạn chế về mặt ngôn ngữ do cấu tạo não). Nhưng thực tế thì tôi lại không khi thấy từ điển tiếng Việt trên giá sách của nhiều người. Có lẽ họ nghĩ internet phát triển đủ để thay thế từ điển rồi. Cần thì Google là ra (chính xác hay không tính sau). Thực tế là tôi thấy tiếng Việt đang gặp kha khá nguy cơ với tình trạng sai chính tả, ngữ pháp tơi bời hiện nay. Không kể các loại teencode, ngay cả báo mạng cũng tràn lan việc sai chính tả. Mấy năm trước, tôi từ bỏ đọc page Tony Buổi sáng vì tôi không thể chịu nổi việc tác giả viết sai chính tả. Thời kỳ đó, tôi mắc chứng OCD ngôn ngữ, giờ đỡ rồi, nhờ ngày ngày phải cọ xát với các lỗi chính tả, ngữ pháp. Thậm chí nhiều lúc tôi biết mình gõ nhầm cũng không thèm sửa, như một cách chữa bệnh. Nhưng sau khi đọc cuốn sách này, tôi sẽ quay lại thời kỳ cẩn trọng với ngôn ngữ. Tạm dừng vụ tiếng Việt ở đây kẻo lại lạc đề.

Quay lại với “Người đan chữ xếp thuyền”. Có 2 yếu tố trong sách khiến tôi mê mệt cuốn này. Thứ nhất là tình yêu đối với ngôn ngữ nói chung và việc biên soạn từ điển nói riêng của thầy Matsumoto, Araki và Majime. Họ dành toàn bộ cuộc đời, sức khỏe, trí óc và tình yêu công việc dành cho từ điển. Thầy Matsumoto luôn mamg theo thẻ mẫu câu bên mình để liên tục cập nhật các từ ngữ, cách giải thích từ. Ngay cả khi nằm trên giường bệnh ung thư, gần đất xa trời, thầy vẫn không quên việc ấy. Araki và Majime giống nhau. Majime là người kế tục của bác Araki, có sự nhạy cảm đặc biệt đối với ngôn ngữ. Tôi tìm thấy bóng hình bản thân qua Majime (dù tất nhiên là không giỏi bằng một góc của anh) . Giống như anh, mỗi khi tôi nghe người ta nói chuyện có một từ nào đó “là lạ”, tâm trí tôi sẽ bị cuốn theo từ đó, nghĩ xem nó được dùng trong trường hợp nào, mình đã thấy nó trong cuốn sách nào. Tôi cũng từng gặp khó khăn trong giao tiếp với người khác vì nhiều người không hiểu tôi nói gì. Tôi vẫn nhớ hồi tôi học cấp 2, có một người nói với tôi là em nói chuyện hay nhỉ, cứ trích dẫn suốt. Nghe em nói thích lắm nhưng chị chẳng hiểu gì cả. Ngay cả khi tôi tốt nghiệp đại học và đi làm, tôi cũng thường gặp tình trạng tương tự với đồng nghiệp. Nhưng tôi khá hơn Majime ở chỗ tôi đã nhận ra được vấn đề và thay đổi cách nói chuyện. Giờ chỉ còn khoản chửi nhau là vẫn chưa tiến bộ thôi. Tôi vẫn cảm thấy tôi chửi mà chúng nó tưởng tôi khen :((( Thật là thất bại :((

Tôi luôn biết tầm quan trọng của ngôn ngữ nhưng cuốn sách này cho tôi biết một điều rằng tôi mới “biết” chứ chưa “hiểu”. Với thầy Matsumoto, để hiểu được một từ, cần phải trải qua từ đó. Ví dụ như “tình tay ba” là gì? Nếu bạn chưa từng nếm trải hoàn cảnh đó, bạn có chắc mình thực sự hiểu nó không? Thầy Matsumoto thậm chí còn xúi Majime và Nishioka lập thành tam giác tình yêu với Kaguya để có thể hiểu tường tận từ này. Nếu bọn họ làm thật thì khéo kẻ thứ 3 lại là Kaguya.

Thứ hai là công việc biên soạn từ điển được mô tả trong sách vô cùng thú vị. Để có một cuốn từ điển ngôn ngữ, hàng ngàn con người phải làm việc rất nhiều năm với khoản kinh phí khổng lồ. Nhưng một cuốn từ điển ra đời, đó chính là niềm tự hào của công ty. Tiếng Nhật là một trong những ngôn ngữ khó nhất nên hẳn là việc biên soạn từ điển cực kỳ phức tạp. Nào lên danh mục từ, mời các chuyên gia viết các mục chuyên ngành, tính toán số trang, giá tiền… Ngay đến giấy in cũng là một nghệ thuật. Cần một loại giấy chuyên biệt vừa mỏng, nhẹ, in không lem không xuyên trang, lại phải có độ trơn phù hợp để người dùng không gặp khó chịu khi giở sách. Cùng một loại giấy loại mực mà máy in khác nhau cũng ra kết quả khác nhau. Công ty giấy mất gần 2 năm để nghiên cứu ra công thức cho loại giấy đặc biệt dùng để in cuốn từ điển Daitokai ấy.
15 năm kể từ khi bắt đầu có ý tưởng làm Daitokai, bao nhiêu chuyện xảy ra: tình yêu đơm hoa kết trái, những mối quan hệ dần trở nên khăng khít, những con người tìm thấy ý nghĩa đời mình, lại có những người nhận ra mình yêu ngôn ngữ biết bao.

Có những chi tiết nhỏ cũng khiến tôi thích cuốn sách này. Ví dụ như Nishioka rất giỏi gọt bút chì. Tôi thích gọt bút chì nhưng gọt rất tệ. Thường phải gọt mất nửa chiều dài bút mới được 1 ngòi không gãy. Hay hint hường phấn giữa Majime với Nishioka. Nếu tôi không nhìn ra hint giữa hai người này thì quá hổ danh hủ nữ. Nishioka cực kỳ quan tâm đến Majime, nào sửa thư tình, nào gạt bỏ các chướng ngại vật cho Majime khi phải quan hệ đối ngoại – sở đoản của anh. Majime cũng rất quan tâm để Nishioka. Thấy anh chàng nhăn nhó (vì đau lưng), Majime đi mua đệm ngồi cho anh kèm theo tuýp kem trĩ. Oimeoi, tác giả này chắc chắn là hủ kín.

Nếu cho viết dài chắc tôi sẽ viết rất nhiều, nhưng thế này thôi, để các bạn tự đọc và cảm nhận. Đây là một cuốn sách đáng đọc lắm đó.

One thought on “Review Người đan chữ xếp thuyền”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *