– Hôm nay ngày gì mà ăn sang thế con?

Hạnh vừa bóc tôm bỏ vào bát mẹ chồng vừa nói:

– Con được thưởng nhân viên xuất sắc, làm bữa ngon ngon đãi mẹ.

Cô không dám ngẩng đầu lên. Mấy năm nay, cứ đến mồng 10 tháng 9 âm lịch, cô lại được… thưởng nhân viên xuất sắc.

Nghĩa – con trai độc nhất của bà Mơ đã hy sinh trong một lần làm nhiệm vụ. Đưa được một gia đình ba người từ dòng nước xoáy lên bờ an toàn thì anh cũng kiệt sức, bị lũ cuốn đi đâu không rõ. Đến giờ, thứ Hạnh còn chỉ là một ngôi mộ liệt sĩ trống.

Bà Mơ nhất quyết khăng khăng rằng, nó chỉ bị dạt đến đâu đó, mất trí nhớ không về được nhà. Hạnh nhìn nét mặt kiên định không hề nhỏ một giọt nước mắt của mẹ chồng, lặng lẽ dặn dò mọi người đừng nhắc đến anh nữa, coi như tất cả đều chấp nhận vở kịch của bà. Nhưng cũng từ đó, Hạnh nhận thấy bà Mơ không bao giờ lên phòng thờ nữa.

Hồi Hạnh yêu Nghĩa, mẹ đẻ gàn ghê lắm. Bà hơi mê tín, nói rằng, nhà bên đó mấy đời góa chồng, cả ông nội, ông ngoại và bố Nghĩa đều mất sớm, sợ dớp nhà đó vận vào con gái mình, đang tuổi xuân hơ hớ mà chồng chết thì con bé phải làm sao đây. Hạnh gạt đi, làm gì có chuyện “góa chồng di truyền”. Ấy vậy mà… Giờ, mỗi lần cô về nhà đẻ chơi, mẹ lại lén thở dài thườn thượt.

Mấy lần, bà bóng gió về việc tái giá, dù sao, hai người cũng chưa có con, Hạnh còn trẻ, xinh xắn, nhẽ nào cứ ở vậy đến già với mẹ chồng. Những lúc ấy, Hạnh đều vờ như không hiểu ý mẹ rồi khéo léo lảng sang chuyện khác.

Trưa nay, Hạnh tan làm, tạt qua chợ mua ít thức ăn rồi thong dong đi ngang cánh đồng về nhà. Ban trưa, mọi người đều nghỉ ngơi; con đường đồng thanh bình, vắng lặng không một bóng người. Mùi đất, mùi lá thoảng trong gió mơn man dịu dàng, xua tan ưu phiền. Hạnh thả hồn trôi bồng bềnh theo những đám mây trắng xốp, ước gì…

“Khực… khực…”.

Xe máy đang bon bon chạy bỗng kêu lực khực mấy tiếng rồi dừng lại. Mây trắng trên trời bị cơn gió thổi bay đi xa, ánh mặt trời chói chang chĩa thẳng xuống mặt đất.

Hạnh dựng chân chống xe, ngó trái, ngó phải, nhìn lên, nhìn xuống cái xe mấy lượt loay hoay một lúc, mồ hôi mướt mải mà cái xe vẫn ì ra. Hạnh chán nản mở túi xách, tìm điện thoại định gọi điện cho anh thợ quen, nhờ anh tới “cứu”.

Cái ngăn nhỏ chuyên đựng điện thoại trống không. Hạnh giật mình, sờ soạng một hồi, tìm cả các ngăn khác cũng không thấy đâu mới sực nhớ ra lúc sắp về, cái Trang cùng phòng mượn để nháy sang máy nó, lập bập thế nào mà đi về quên mất không lấy lại. Giờ thì Hạnh đứng chơ vơ giữa đường vắng.

Đúng lúc Hạnh đang không biết làm thế nào thì một chiếc xe máy bình bịch từ xa chạy tới. Cô mừng rỡ vẫy tay rối rít, chỉ sợ người ta phóng vụt qua mất. Nhưng vừa vẫy mấy cái, cô chột dạ rụt tay về. Đàn bà con gái ở chốn vắng vẻ này, xui xẻo vớ phải người xấu thì… Nghĩ tới đây, chân tay Hạnh lạnh buốt, nỗi sợ hãi lan khắp cơ thể. Cô luống cuống muốn sửa sai nhưng muộn rồi…

*

Bà Mơ nhìn cái đồng hồ treo tường lần thứ mười mấy trong buổi trưa nay; cái Hạnh vẫn chưa về. Thường ngày, giờ này nó đã có mặt ở nhà, sắp xếp cơm nước, hai mẹ con ăn rồi nó dọn dẹp, tranh thủ nghỉ ngơi một lát trước khi vào ca chiều. Ấy vậy mà, bà gọi điện không ai bắt máy. Lòng bà nóng như lửa đốt.

Bỗng nghe tiếng động cơ mô-tô, bà Mơ vội chạy ra đón. Hạnh ngồi trên xe; theo sau là một người đàn ông đang dùng chân đẩy cả người lẫn xe tiến lên phía trước.

Duy vừa cởi cái mũ bảo hiểm ra cho đỡ nóng vừa chào bà. Thoáng nghe giọng nói ấy, bà Mơ giật bắn người, sững sờ nhìn Duy; đôi mắt mờ đục phủ thêm một tầng hơi nước. Bà lập cập lại gần Duy, bàn tay nhăn nheo sờ soạng trên người anh như để xác nhận đây là một con người bằng xương, bằng thịt chứ không phải chỉ là hư ảo. Những nếp nhăn trên mặt giãn ra thành một nụ cười; đã lâu lắm rồi, từ ngày Nghĩa qua đời, Hạnh không thấy dáng vẻ tươi tỉnh như thế ở bà. Giọng bà run run:

– Sao giờ này con mới về? Mẹ chờ mãi.

Bà kéo tay anh:

– Vào nhà nghỉ đi con, ngoài này nóng lắm.

Duy ngơ ngác đưa mắt sang Hạnh đang ái ngại nhìn mình. Thấy bà Mơ như thế, Hạnh hiểu ngay lý do nhưng không biết nên làm sao, chỉ đành nhìn anh với vẻ cầu khẩn.

Suốt bữa ăn, bà liên tục gắp thức ăn cho Duy, còn mình chẳng hề đụng đũa. Bà bỏ miếng cá đã lọc hết xương vào bát anh, giục:

– Ăn đi con! Khổ, thằng bé gầy quá!

Duy nhìn người phụ nữ da mồi tóc sương trước mặt, chạnh lòng nghĩ nếu mẹ mình còn sống, chắc cũng mang dáng vẻ thế này.

– Bầm cũng ăn đi.

Thấy bà Mơ kéo ống tay áo chấm nước mắt, Hạnh khẽ gọi “mẹ”. Bà nói, giọng nghẹn ngào:

– Mẹ vui quá đấy mà!

Trước khi Duy đi, bà cứ nắm tay anh, nhắc mãi rằng, đừng biền biệt mấy năm như trước nữa, công việc vất vả quá thì xin nghỉ, về nhà mẹ nuôi. Duy không biết vì sao người con trai kia đi lâu như vậy chưa về nhưng anh xót thương người mẹ chừng này tuổi vẫn mỏi mòn chờ ngóng con. Duy mồ côi cha mẹ từ nhỏ, cả đời khao khát hơi ấm gia đình. Anh cầm tay bà, an ủi:

– Con không đi lâu nữa nhưng phải trực nhiều. Thỉnh thoảng mới

về được.

Bà Mơ tươi hẳn nét mặt, bịn rịn mãi mới chịu buông tay. Tiễn Duy ra cổng, Hạnh kể cảnh nhà cho anh nghe. Cô thật sự áy náy vì làm phiền anh quá nhiều nhưng Duy xua tay nói không sao, nếu Hạnh không phiền, thi thoảng anh sẽ tới thăm bà.

*

Dạo gần đây, bà Mơ trẻ khỏe hẳn ra, gặp ai cũng khoe con trai mình đã về. Mấy năm trước, nó đi làm nhiệm vụ bí mật đột xuất, giờ hoàn thành rồi, đơn vị cho đóng quân gần nhà. Cơ mà nó được cấp trên tín nhiệm lắm nên cứ đi đào tạo suốt, mấy ngày mới tạt về một lần. Thằng bé rõ là chịu khó, chẳng bao giờ nghỉ ngơi, cứ luôn chân, luôn tay, nay tranh thủ lợp lại cái mái nhà, mai thì sửa cái quạt hỏng.

Cả làng đều biết bà Mơ lẫn nhưng chẳng ai nỡ bảo bà. Có người còn hỏi đùa khi nào bà có cháu bế đấy. Bà Mơ cười tít mắt, vui vẻ đáp sớm thôi, chẳng năm nay thì năm sau, vội gì.

Chuyện nhà Hạnh có thêm anh bộ đội thường xuyên ghé thăm nhanh chóng lan đến cơ quan. Mấy đối tượng ngấp nghé Hạnh chẳng ai bảo ai, đồng loạt rút lui khiến Hạnh nhẹ cả người, không buồn thanh minh rằng, mình và Duy chẳng có gì với nhau, Duy đến vì mẹ chồng cô chứ không phải vì cô.

Cái Trang cười nhe nhở. Chị Hạnh từng này tuổi mà vẫn ngây thơ nhỉ? Ôi giồi ôi, lý do đấy mà chị cũng tin á? Có thể ban đầu thế thật, nhưng giờ thì… hơn rồi.

Hạnh thoáng nhớ lại những lúc mình giúp Duy làm việc nọ, việc kia trong nhà. Ví như bữa lăn sơn gian phòng khách, Duy chở Hạnh đi mua sơn, bỗng gặp cơn giông, gió táp ù ù. Ngồi sau tấm lưng vững chãi của Duy, lòng Hạnh bình yên đến lạ, như thế chỉ cần có Duy ở đây, giông gió ngoài trời sẽ không thể chạm đến mình.

Nỗi đau mất chồng đã nguôi ngoai theo năm tháng và Hạnh đã quen với cuộc sống một mình. Cô từ chối các vụ mai mối không hẳn vì vẫn nhớ thương Nghĩa mà còn bởi cô cảm thấy cuộc sống hiện tại rất ổn, không muốn khiến mặt hồ êm ả gợn sóng, dù chỉ vì một chiếc lá thu rơi. Cô chẳng ngờ có một ngày, một người đàn ông khác bước vào cuộc đời mình bằng cách thức kỳ lạ như vậy.

Không phải Hạnh không biết ánh mắt Duy nhìn mình, nhưng cả hai đều vờ như không, bởi vì giữa bọn họ còn có bà Mơ.

– Mẹ tính sang tuần làm mấy mâm cơm đãi họ hàng, mừng con trai mẹ về.

Trong bữa cơm, bà Mơ tiếng là lấy ý kiến nhưng thực ra là thông báo cho Hạnh và Duy biết dự định của mình. Duy không tiện phản ứng, còn Hạnh chưa kịp nói gì, bà Mơ đã quay sang Duy:

– Con báo lãnh đạo cho ở nhà ít ngày đi chứ. Làm gì có chuyện bắt con nhà người ta trực suốt, không cho về như vậy.

Duy ú ớ, không biết nên thế nào. Chẳng lẽ lời nói dối của anh đã đến hồi kết thúc?

Bà Mơ đặt cái bát cơm xuống mâm kêu đánh “cạch” một tiếng:

Họ mà không đồng ý, bà già này sẽ lên tận nơi ý kiến.

Duy đành vỗ về bà, hứa sẽ viết đơn lên cấp trên.

Hạnh tiễn Duy ra cổng, ngập ngừng hồi lâu mới lên tiếng:

– Nếu không phiền… anh cứ chiều theo ý mẹ, có được không?

Duy chỉ ngại cho thanh danh của Hạnh thôi chứ đàn ông, đàn ang độc thân như anh thì sợ gì. Nếu Hạnh đã nói vậy…

Bà Mơ mời cỗ tuyên bố rất rõ ràng con trai tôi, chồng cái Hạnh, đi công tác xa mấy năm, quê nhà nhiều thay đổi, có gì bỡ ngỡ, mọi người xá cho. Duy đi chúc rượu quanh các mâm, chẳng khác gì chú rể mới. Bữa tiệc nhỏ gọn, ấm cúng, chẳng ai thắc mắc gì. Hạnh cũng uống mấy ly, men rượu ửng hồng gò má giống hệt như năm xưa cô lần đầu về nhà chồng.

*

Mồng một âm, mấy chị em cơ quan đi lễ, Hạnh không tham gia nên về sớm, mua ít hoa quả thắp hương cho Nghĩa. Tới nhà, chẳng thấy bà Mơ đâu, Hạnh đoán chừng bà sang chơi nhà hàng xóm. Cô rửa sạch mấy quả mắc coọc, bày ra đĩa mang lên phòng thờ tầng hai.

Tiếng người vọng ra trong phòng khiến Hạnh hơi hốt hoảng, sao hôm nay bà Mơ lại lên đây? Lỡ bà nhìn thấy ảnh Nghĩa trên bàn thờ thì làm thế nào?

Hạnh đang dợm bước vào phòng thì nghe thấy bà Mơ lầm rầm như nói chuyện với ai đó:

– Con yên tâm, Hạnh đã có người chăm sóc rồi. Thằng bé ngoan lắm…

Giọng bà nghẹn ngào:

– … rất giống con.

Hạnh sững sờ, cái đĩa trên tay rơi xuống.

Bài đăng trên báo Thời nay

https://nhandan.vn/nguoi-tro-ve-post777403.html

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *