81 ÁN TÂY DU
Tác giả: Trần Tiệm
Phát hành: Tsuki trinh thám
Reviewer: Điền Yên
——
Review có thể có spoil. Ai sợ thì đọc luôn đoạn FAQ dưới cùng.
Mở đầu truyện là một vụ giết người thê lương. Hung thủ là Trường Tiệp – nhị ca của Huyền Trang. Nạn nhân là sư phụ hắn, người sẽ truyền lại y bát cho hắn. Không ai hiểu vì sao một người tiền đồ vô lượng, không cần phải giết người đoạt vị lại đột ngột ra tay, làm ra việc bất nhân bất nghĩa đến thế rồi biến mất. Huyền Trang trong tâm chỉ có nghiên cứu Phật giáo, phổ độ chúng sinh, 10 năm đi khắp nơi trau dồi kiến thức không gặp đối thủ nhưng trong lòng tự biết còn nhiều điều trong kinh Phật chưa thông mới tính đường sang Tây Trúc. Khỏi cần nói cũng biết đường đi hung hiểm, khó đi khó về, gần như nắm chắc cái chết. Ngài không sợ chết nhưng thâm tâm vẫn canh cánh chuyện của nhị ca, bèn quyết định đi tìm huynh trưởng hỏi cho ra nhẽ trước khi lên đường. Và thế là Huyền Trang bị cuốn vào một âm mưu kỳ vĩ, hoang đường.
Nhà Tùy tồn tại 37 năm thì bị họ Lý cướp. Khi Lý Uyên bắt đầu khởi binh, luôn có một vị quân sư trí tuệ siêu phàm tư vấn. Người đó là Pháp Nhã. Ông nhận sự ủy thác của Phật môn, tìm minh chủ phò tá, đưa người đó lên ngôi vị tối cao, chấm dứt mười mấy năm loạn lạc khốn khổ của dân chúng. Nhưng ông tính trăm đường lại quên mất một điều: tân vương họ Lý. Sau khi đăng cơ, Lý Uyên vẽ rồng thêm phượng, tuyên bố mình là hậu duệ của Đạo gia. Phật gia đúng là cốc mò cò xơi, tốn bao công sức cuối cùng lại đun đối thủ Đạo gia lên vị trí cao hơn mình. Để nâng tầm Phật gia, một âm mưu điên cuồng được thiết kế, cần vô số sức người sức của và những “tử sĩ”.
Truyện cực kỳ hấp dẫn, xen lẫn thực tế và huyền huyễn. Người chết sống lại, âm ti địa phủ… là có thật hay chỉ do con người tạo ra? Con người khi chết đi sẽ phải trả giá cho những tội lỗi trên dương gian? Nếu biết Nê Lê ngục kinh khủng như thế, người làm ác liệu có chùn tay? Sự thật… đâu là sự thật? Nếu không còn bất kỳ bằng chứng nào trong tay, liệu ta còn đủ kiên định tin vào “sự thật”.
Ôi, tôi thích bộ này kinh khủng: các nhân vật đều hay, kể cả mấy người làm điều sai trái cũng có cái lý của họ, đọc mà vừa giận vừa thương.
Huyền Trang. Huyền Trang. Mỗi lần nhắc đến cái tên này, tôi lại cảm thán không thôi. Ngài đích thực là bậc học giả đại trí, một cao tăng đại nhân, một phượt thủ đại dũng. Nhân Trí Dũng của Ngài đều ở cấp bậc thượng thừa. Trong Đại Đường Nê Lê ngục, Huyền Trang còn hiện lên với một dáng vẻ khác, tất nhiên là không yếu đuối dặt dẹo như trong Tây Du ký hay quyến rũ dụ hoặc như trong bộ manhua tôi đang dịch đâu 🙂)
Theo bối cảnh truyện, Huyền Trang tuổi chừng tam thập, đã ngao du thiên hạ 10 năm, trí tuệ uyên thâm, lịch duyệt giang hồ. Người này rất thông minh, tốt bụng, từ bi nhưng không ngu, trong hoạn nạn vẫn tỉnh táo phân tích thực tế, ngoài mặt thì tỏ ra không hiểu gì nhưng bên trong thì suy luận thấu triệt. Tâm như gương sáng, vừa ngầu vừa tỉnh.
Ví dụ như đoạn này: Huyền Trang có một người Tây Trúc tên Ba La Diệp đi theo. Hai người đi thăm dò âm mưu thì gặp nạn. Trong câu chuyện, Ba La Diệp nói về sau ta sẽ kể cho ngài biết chân tướng, giờ chưa được.
“Huyền Trang gật đầu:” Đã vậy thì bần tăng cũng không ép ngươi. Đúng rồi, ngươi không giết ta nữa à? ”
“Làm gì có chuyện đó?” Ba La Diệp trợn mắt.
“Đao của ngươi đã ra khỏi vỏ một nửa cẩn thận kẻo đứt tay.” Huyền Trang chỉ chỉ vào ngực hắn. ”
Chuẩn soái sư khốc suất chưa?!
Quách Tể – một nhân vật phụ nhưng nhân cách sáng ngời. Ông là mãnh tướng, cao lớn uy vũ mà vô cùng dịu dàng, yêu thương vợ và con gái riêng của vợ vô ngần. Thân làm phụ nữ mà có được người chồng trân trọng, yêu quý mình thế này cũng đủ một đời. “Trời đất bao la, phu nhân của lão tử là lớn nhất. Kẻ nào dám tổn thương phu nhân của lão tử, dù có to lớn đến đâu lão tử cũng một đam chém thành hai đoạn!”
Thôi Giác – một nhân vật truyền kỳ trong lịch sử, tài hoa hùng tâm tráng chí có thừa nhưng trong tác phẩm này lại đọa nhập ma đạo, sống chết đều thê thảm.
Lục La – cô gái bi thương, cả đời bất hạnh, mòn mỏi đợi chờ Huyền Trang.
Và nhiều nhân vật khác.
Tác giả có văn phong hài hước, hơi tưng tửng, rất duyên dáng và ý vị.
Ví dụ như:” Huyền Trang nhẹ nhàng đi tới bên cửa sổ, chọc thủng một lỗ trên giấy dán cửa nhòm vào bên trong. Ba La Diệp ở phía sau thầm khen ngợi: “Đại sư thật là tài giỏi, chẳng những phật pháp cao thâm, ngay cả thủ đoạn giang hồ này cũng rất quen thuộc… ”
Tác giả có sự tìm hiểu về Phật giáo. Trong sách có những đoạn trò chuyện về đạo Phật rất thú vị.
“Huyền Trang hỏi:
“Vì sao Thích Ca phải ngồi dưới gốc cây bồ đề thành Phật?”
Không Thừa ngẩn ra, suy nghĩ một lất: “Bồ đề ý chính là giác ngộ, thấy cây bồ đề như thấy Phật”.
“Sai rồi”. Huyền Trang lắc đầu: “Bởi vì cây bồ đề có tán lá rộng, có thể che nắng che mưa”.
Thoạt nghe thì vừa hài vừa bình thường nhưng nghĩ kỹ mới thấy chân lý. Đọc truyện sẽ thấy. Thú vị vô cùng.
Sách in đẹp, có khoảng dăm lỗi chính tả. Khổ to, dày mà giá bìa 152K là quá ổn.
Tôi hóng tập sau quá :(((
—
FAQ
1. Có Bát Giới, Ngộ Không… không?
–> Không. Chỉ toàn người với nhau, không có yêu tinh nà nhảy ra đòi ăn thịt sư phụ hết.
2. Truyện có mấy tập?
Có 3 tập. Đây là tập 1.
3. Mới ra tập 1 đọc có cụt hứng không?
Hoàn toàn không. Hết tập là tròn vẹn rồi. Kể cả không có tập tiếp cũng không sao cả. Tác giả thậm chí còn không kèo câu nào để câu sang tập 2 cơ.
4. Khi nào có tập 2, 3?
Hai tập này đều đã dịch xong. Dự kiến tập 2 phát hành cuối tháng này. Các bạn nên mua ngay tập 1 để công ty phát hành xoay vòng vốn, đặng còn ra nhanh các tập sau.
5. Có hint đam mỹ không?
Đây là truyện trinh thám có yếu tố lịch sử. Còn hint đam mỹ, trong mắt hủ nữ, đàn ông thế giới đều gay, đọc bách hợp còn ra hint nam nam nữa là truyện này.
Cuối cùng thì link mua sách đây bà con:http://bit.ly/2NmhQtL (hàng có sẵn, có bookmark giấy trong sách, tặng postcard và bookmark nam châm nha)
#trinh_thám #review #dienyen #81antaydu