81 án Tây Du (tập 3) – Đại Đường Phạm Thiên ký

Tác giả: Trần Tiệm
Phát hành: Tsuki Trinh Thám
Dịch giả: Losedown
Reviewer: Điền Yên

Lần nào review 81 án Tây du tôi cũng cảm thấy khó khăn bởi truyện có cấu trúc phức tạp, các đầu dây mối nhợ đan xen, khó phân loại.

Bối cảnh của Đại Đường Phạm Thiên ký là 12 năm sau của Tây Vực liệt vương ký, khi đó Huyền Trang đã đến Thiên Trúc được 10 năm. Những tưởng mọi sóng gió đã qua, nhưng hẳn các bạn vẫn nhớ trong Tây du ký, khi Đường Tăng cùng đồ đệ đến được đất Phật, thỉnh được chân kinh rồi vẫn phải kinh qua kiếp nạn nữa. Trong Đại Đường Phạm Thiên ký cũng vậy, Huyền Trang lại bị cuốn vài một âm mưu ghê gớm đã được sắp đặt từ 30 năm trước, mà một phần trong đó chính là chuyến Tây du của ngài. Trong Tây du ký, Quan Thế Âm Bồ Tát vâng mệnh Phật tổ Như Lai đến Đại Đường tìm người thỉnh kinh. Trong 81 án Tây Du, đại sư Giới Hiền phái Ba Pha sang Đông thổ Đại Đường, dẫn dắt Huyền Trang sang Tây Trúc, ký thác hy vọng quật khởi Phật môn lên ngài. Nhưng đó chỉ là 1 phần âm mưu thôi, một phần lớn hơn thì đọc đến cuối tôi vẫn không hiểu mục đích cuối cùng của kẻ chủ mưu là gì (rất có thể tập 4 mới biết).

Bạn có tin vào luân hồi không, có tin trên đời có người chuyển thế không? Na Thuận từ năm 3 tuổi đã có một niềm tin vững chắc rằng mình phải đi tìm một cô gái, cùng nàng trải qua một đời. Nhưng cô gái hắn cần tìm lại không tầm thường. Nàng xinh đẹp vô song nhưng cuộc đời là một chuỗi bi kịch. Nàng nói suốt một ngàn hai trăm năm qua, nàng đã luân hồi qua 33 kiếp, kiếp nào cũng giống nhau: ban đầu được sủng ái muôn vàn, sau bị bán thành kỹ nữ, vì kỳ ngộ nào đó trở thành vương hậu, cuối cùng bị giết chết dưới tường vương thành. Nàng vẫy vùng tuyệt vọng muốn thoát khỏi ngục tù vĩnh hằng đó nhưng thất bại. Kiếp nào nàng cũng đợi chờ 1 người tình si nhưng không lần nào hai người được ở bên nhau. Kiếp này cũng thế, dù chạm vào hạnh phúc vẫn không thể nắm giữ. Có luân hồi không, có người chuyển thế không? Tôi chưa gặp nên chưa tin. Tôi đoán Liên Hoa Dạ và Na Thuận bị người ta thôi miên, nhét vào đầu những thông tin kia mà thôi. Thực tế thế nào, mời bạn đọc truyện sẽ rõ. Chỉ có thể nói rằng, mỗi lần đọc 81 án Tây du, tôi lại không nhịn được mà than cuộc đời có thể rung động lòng người như vậy đấy. Thật hay giả, đúng hay sai, thế gian này đâu có rạch ròi phân rõ trắng đen như thế.

Càng đọc càng mê Huyền Trang. Ngài thật là bậc đại dũng, trí tuệ siêu phàm, từ bi bác ái. Đúng là trên đời có những người được lựa chọn, dù có gặp bao hung hiểm vẫn toàn mạng bước đi và tỏa sáng. Bản thân họ không hề biết, chỉ lịch sử mới biết. Sự bình tĩnh, uyên thâm, từ ái của Huyền Trang khiến tôi cảm khái không nguôi. Ngay đối thủ của ngài cũng phải nghiêng mình kính phục.

Truyện có nhiều trận chiến lớn nhỏ, máu chảy thành sông, hùng tráng thê lương. Nếu được dựng thành phim hẳn vô cùng thê thiết. Ví dụ như đoạn danh tướng Phi Lỗ Tán táng mạng sa trường. Quốc vương đối nghịch là Giới Nhật vương vì kính trọng ông ta mà ra lệnh dùng cái chết vinh quang nhất để tiễn, cấm quân lính không được giày xéo thi hài vị anh hùng.

Trần Tiệm rất dụng công khi viết bộ tiểu thuyết này. Các nhân vật và sự kiện lịch sử được đưa vào truyện hư hư thực thực. Tôi đọc bản tiếng Việt mà nhiều chỗ không hiểu, dịch cuốn này chắc khó nhằn lắm luôn. Quả thực truyện có những triết lý sao siêu mà tôi ngu không hiểu. Ví dụ như tại sao Phật Đà lại nói Devadatta thắng ở lần ám sát thứ 4? (Vì Đức Phật chưa bao giờ thèm cạnh tranh với hắn, thấy hắn đã sắp chết rồi nên muốn để hắn yên lòng nhắm mắt sao?) Tại sao Huyền Trang không tìm thấy mộ Viên Quán? Lẽ nào ngay cả việc này cũng là một hồi sắp đặt?
Theo mấy lời tác giả gài cắm thì có lẽ sẽ còn tập 4.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *