Ban đầu, tôi được giới thiệu cuốn sách này là có nội dung về bạo lực học đường. Quả thật, nhiều chi tiết quan trọng trong sách liên quan đến chủ đề này. Nhưng nhiều hơn thế, là chủ điểm tội phạm vị thành niên. Tôi căm ghét đối tượng này bởi tôi cảm thấy pháp luật bất lực trước nó. Hình như tôi đã kể một lần trong một bài review nào đó, rằng tôi từng gặp một chị chuyên gia về trẻ em. Chị ấy nói nếu đến thăm các trại giáo dưỡng, bạn có thể gặp tội phạm thiếu niên của tất cả các tội được liệt kê trong Bộ luật hình sự, trừ tội Lạm dụng chức vụ. Trẻ con không phải đều là thiên thần. Nhiều đứa còn tàn bạo hơn ác quỷ. Nhưng pháp luật lại không làm gì được chúng, vì chúng chưa đến tuổi thành niên. Trong Phục thù cũng có một câu chuyện: một thằng nhóc giết hại 4, 5 đứa trẻ. Đứa bé cuối cùng bị nó quấn dây quanh người, thả qua lan can cầu xuống hồ nước, nhúng lên nhúng xuống đứa bé, hành hạ cho đến chết. Khi bị bắt, nó nhơn nhơn cười đùa huýt sáo, bảo vào tù vài năm sợ đách gì, ra tù vẫn còn khối thời gian tươi đẹp tận hưởng cuộc sống, các người làm gì được tôi.
Con gái của Đoàn Tân Nghênh chết trong một “sự cố”. Ra tù, Đoàn Tân Nghênh điên cuồng trả thù. Những cái bẫy tinh vi, xui xẻo thay, đều bị phát hiện. Có thể nói Vu Văn Dương – kẻ tình nghi giết bé gái Minh My quá hên. Nhưng không sao, tất cả đều chỉ để dẫn đến cái bẫy cuối cùng – save the best for last. Người bày mưu vô cùng thông minh, đoán hết đường đi nước bước. Tuy nhiên, tôi không quá chú ý đến điều này vì truyện trinh thám, đặc biệt là trinh thám Trung Quốc thường buff trùm cuối và/hoặc nhân vật chính dự chuyện như thần. Điều tôi thích ở nhân vật này là quan điểm về chính nghĩa. “Pháp luật như bật đèn xanh cho tội phạm vị thành niên, thế nhưng trên đời này, ít nhất cũng phải có ai đó gìn giữ cho sự chính nghĩa cơ bản nhất chứ”. Chính nghĩa cơ bản nhất đó là gì? Có lẽ là kẻ ác phải bị trừng trị, cho dù cái giá ở phải trả là rất nhiều hy sinh. Tôi khâm phục gia đình cô bé Minh My, họ đã dốc toàn bộ vốn liếng, tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để đòi lại công bằng cho cô bé, khi pháp luật bất lực.
Trong truyện này, hệ thống công quyền fail không đỡ được. Từ một lũ công an giáo viên tiếp tay cho bạo lực học đường đến vụ án Đoàn Minh My bị hại, chả giúp được gì còn gây chuyện. Chắc chi tiết tử tế nhất của đám công an này là một nữ cảnh sát quá bất bình với thằng ôn dịch trong câu chuyện tôi kể trên đã nổ súng giết nó ngay trước đồn. Tất cả đồng nghiệp đồng tâm làm chứng cô bị trượt tay. Nhưng đây cũng là một trong những chi tiết thể hiện sự bất lực của pháp luật trước tội phạm vị thành niên – không làm gì được chúng, mà phải để người bất bình với hành động của chúng/nạn nhân/gia đình nạn nhân xử lý.
Nam chính trong tác phẩm – Hô Diên Vân (tác giả chắc thích tự sướng) rất nhảm. Chưa kể đến việc bại dưới tay Lâm Hương Minh hai lần, cậu ta còn phạm phải lỗi sơ đẳng mà không thám tử đại tài nào vướng phải – coi thường đối thủ. Đã thế còn không đẹp trai :((( Hỏi anh có cái vẹo gì thú vị đây? Ngược lại, big boss lại rất hấp dẫn: vừa đẹp vừa thông tuệ, lại tràn đầy chính nghĩa, dù chính nghĩa đó là do anh tự quy định. Ban đầu tôi còn suýt ship nam chính với boss. Đúng là bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu.
Xét về góc độ trinh thám, truyện này không có gì hay ho. Nhưng về mặt xã hội thì tôi thích Phục thù. Dù đầy bug nhưng cũng rất nhiều cảm xúc.
Dịch tàm tạm nhưng có 1 lỗi to to là đoạn Hô Diên Vân gọi Đoàn Minh My là em, trong khi cô bé là con gái của bạn học cũ. Lẽ ra không xưng bác cũng phải xưng chú chứ? Tuy nhiên, điều này không làm giảm cảm tình của tôi với tác phẩm.
Theo quan điểm của bạn, pháp luật có nên thay đổi về khung hình phạt, tiêu chí xử phạt với tội phạm vị thành niên không? Ví dụ với một số tội đặc biệt nghiêm trọng (giết nhiều người, giết người vì động cơ đê hèn, giết người bằng thủ đoạn tàn nhẫn…) thì không cần biết thủ phạm bao nhiêu tuổi, đều cần trừng phạt nghiêm khắc, loại bỏ đối tượng này khỏi xã hội.