Tác giả: Fuyumi Ono
Phát hành: IPM
Tôi quen một anh nọ. Anh đi tập tennis được một thời gian thì hăng hái mời vợ qua sân chơi, nhân tiện đọ vợt. Tưởng được lên mặt với vợ, ai dè cô vợ hạ gục anh trong vòng một nốt nhạc. Anh phát rồ, ngày đêm luyện tập (vợ thì tất nhiên phải ở nhà chăm con). Qua một thời gian nữa, anh lại gọi vợ lên sân. Cô vợ con rơi của nhà Williams này lại đả bại chồng một lần nữa, tốc độ nhanh không kém lần trước. Anh chồng điên tiết đập vợt như Ryan Harrison rồi thề không bao giờ dính dáng vào đám bóng nỉ nữa.
Đọc xong Tàn uế, tôi nhớ ngay đến câu chuyện trên vì tài năng của cô vợ hơn đứt anh chồng y hệt như Fuyumi Ono hay hơn Yukito Ayatsuji vậy.
Tàn uế tạo cho tôi cảm giác chân thực như thể tác giả đang kể thực về những chuyện đã diễn ra. Thậm chí, mấy trang đầu tôi đọc còn tưởng tác giả chưa vào truyện mà chỉ mới là lời giới thiệu. Tàn uế là tử uế không được thanh tẩy, có khả năng lây lan và bội nhiễm nhiều tầng. Ví dụ: một người chết oan ức trong một ngôi nhà sẽ tạo ra tử uế. Tử uế đó nếu không được thanh tẩy sẽ tạo thành tàn uế. Người khác bước vào căn nhà này sẽ lây nhiễm tàn uế này, mang nó về nhà mình và lây cho cả nhà. Chuyện bắt đầu từ một cô gái cảm thấy nhà mình có “người lạ”, rồi xung quanh khu nhà cô cũng có một vài người cảm thấy như vậy, có người còn treo cổ tự sát (tạo nên tàn uế 2 tầng). Cô và tác giả – người xưng “tôi” mất bảy năm tìm hiểu, lần tìm từng đầu mối nhỏ nhất, phát hiện ra nguồn gốc của tàn uế hóa ra xuất phát từ một địa phương khác, từ rất nhiều năm về trước, lây nhiễm đến tận đây.
Truyện không dọa dẫm, không cố làm mọi việc trở nên ghê rợn thế nên nó có vẻ đáng sợ bởi tính chất chân thực của nó. Tác giả khiến tôi nghĩ tàn uế thực sự tồn tại.
Nếu Another và series Quán được tôi xếp vào danh mục thuốc gây mê thì Tàn uế được liệt vào hạng luyện trí nhớ với hàng chục tên họ của các nhân vật liên tục xuất hiện, liên tục biến mất trong suốt quá trình tìm kiếm sự thật của hai nhân vật chính. Tôi đảm bảo nếu nhớ hết đống tên này thì khỏi cần tham gia khóa học siêu trí nhớ làm gì.
Chấm điểm: 7.75/10