Xuất bản sách dịch phức tạp và tốn kém hơn xuất bản sách tự viết và có nhiều tình huống xảy ra. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ đề cập tới trường hợp có đầy đủ các yếu tố sau:

– Tác phẩm gốc được viết bằng tiếng nước ngoài
– Tác phẩm gốc đang do một công ty nước ngoài nắm bản quyền
– Tác phẩm đích được dịch sang tiếng Việt và phát hành tại Việt Nam

👣𝐁𝐮̛𝐨̛́𝐜 𝟏: 𝐌𝐮𝐚 𝐛𝐚̉𝐧 𝐪𝐮𝐲𝐞̂̀𝐧

Bạn cần phải được công ty đang nắm giữ bản quyền tác phẩm gốc cho phép. Bởi vì người nắm giữ bản quyền là công ty nên theo sự hiểu biết hạn chế của tôi, họ sẽ không làm việc với cá nhân. Tức là nếu bạn muốn mua bản quyền một cuốn sách nào đó, bạn phải thông qua một công ty; công ty này sẽ thay mặt bạn mua bản quyền chứ bạn không mua được trực tiếp từ công ty đang nắm bản quyền. Chưa kể sau khi mua bản quyền, bạn cần đóng một khoản thuế gọi là thuế nhà thầu. Chỉ có công ty có tư cách pháp nhân đầy đủ mới thực hiện được khâu này. Nếu bạn yêu thích một tác phẩm nào đó, muốn mình là người mang nó về Việt Nam thì hãy liên hệ với Điền Yên tôi nhé.

Bản quyền thường kéo dài trong 5 năm. Tiền bản quyền cũng được tính tương tự như khi bạn bán bản quyền sách của mình cho bên phát hành = royalty x giá bìa x số lượng in. Và bạn cần thanh toán trước một khoản gọi là advance.

Ví dụ: royalty là 10%, advance là 1000 USD thì sau khi ký hợp đồng, bạn phải thanh toán ngay 1000 USD. Sau khi sách phát hành, giả sử bạn in 1000 cuốn, giá bìa 200K/cuốn, tỉ giá USD/VND là 25,000 thì tổng tiền nhuận bạn phải trả cho đối tác là 10% * 300,000 * 1000/25,000 = 1,200. Tức là bạn sẽ phải trả tiếp 200 USD cho bên đối tác.

👣𝐁𝐮̛𝐨̛́𝐜 𝟐: 𝐂𝐡𝐮𝐚̂̉𝐧 𝐛𝐢̣ 𝐛𝐚̉𝐧 𝐭𝐡𝐚̉𝐨

Đương nhiên rồi. Bởi vì tác phẩm gốc được viết bằng ngoại ngữ, muốn cho đông đảo người đọc Việt Nam tiếp cận thì bạn cần phải dịch nó sang tiếng Việt.

Các bước tiếp theo tương tự như sách tự sáng tác: bạn cần biên tập, dàn trang, đọc bông, vẽ bìa…

👣𝐁𝐮̛𝐨̛́𝐜 𝟑: 𝐗𝐢𝐧 𝐠𝐢𝐚̂́𝐲 𝐩𝐡𝐞́𝐩

Mọi tác phẩm muốn được phát hành hợp pháp, hợp lệ thì đều phải xin giấy phép. Xin giấy phép cho sách dịch phức tạp hơn sách tự sáng tác, ví dụ như bạn phải cung cấp hợp đồng mua bản quyền, hợp đồng dịch… Sách ngoại văn cũng bị kiểm soát chặt hơn, tránh các thành phần âm mưu cài cắm thông tin bố láo.

👣𝐁𝐮̛𝐨̛́𝐜 𝟒: 𝐈𝐧 𝐚̂́𝐧, 𝐩𝐡𝐚́𝐭 𝐡𝐚̀𝐧𝐡

Khúc này thì giống sách tự phát hành. Sau khi có giấy phép xuất bản, bạn đem đi in. In xong thì nộp lưu chiểu, lấy giấy phép phát hành. Có cấp giấy phép phát hành rồi, bạn mới được đem bán.

👣𝐁𝐮̛𝐨̛́𝐜 𝟓:

Tiếp đó là một chuỗi các công việc hành chính, chẳng hạn như gửi sách biếu cho công ty nắm bản quyền gốc (gọi là biếu chứ trong hợp đồng quy định, không biếu không xong), báo cáo tình hình bán sách cho họ, trả thêm nhuận (như tôi đã mô tả trong bước 1), thuế má, hóa đơn… Ti tỉ những việc lặt vặt nhưng rất mất thời gian, công sức.

Có thể thấy là so với sách tự sáng tác, sách dịch thêm nhiều chi phí hơn (bản quyền phải đi mua chứ không phải của nhà trồng được. Ngay cả khi bạn có thể tự dịch, tự biên, tự bông, thậm chí tự vẽ bìa, dàn trang thì những thứ này cũng cần được tính vào chi phí cơ hội), nhiều thủ tục hơn (báo cáo, thuế má…), nhưng niềm vui khi thấy cuốn sách mình đỡ đầu được đón nhận đủ bù đắp lại tất cả 😍

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *